Hỗ trợ khách hàng
TN Tech Support
  • Số fax

    0243.956.2288

  • Hotline 2

Thống kê
  • Trong ngày: 2015
  • Trong tháng: 67552
  • Toàn bộ: 442431
  • Đang online: 12

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững (Phần 1)

Đăng ngày : 25/05/2020

1. Du lịch cộng đồng 

1.1. Quan niệm

Quan niệm về du lịch cộng đồng được đưa ra khác nhau do vị trí của du lịch dựa vào cộng đồng tùy theo góc nhìn, quan điểm nghiên cứu. Theo Nicole Hausle và Wolffgang Strasdas (2009) cho rằng: “Du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương”. Quan niệm trên nhấn mạnh đến vai trò chính của ngư­ời dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch ngay trên địa bàn quản lý.

Viện Miền núi cho rằng: “Du lịch cộng đồng là nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch tại điểm du lịch đón khách vì sự phát triển du lịch bền vững dài hạn. Du lịch cộng đồng khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương trong du lịch và có cơ chế tạo các cơ hội cho cộng đồng. Du lịch cộng đồng là một quá trình tư­ơng tác giữa cộng đồng (chủ) và khách du lịch mà sự tham gia có ý nghĩa của cả hai phía mang lại các lợi ích kinh tế, bảo tồn cho cộng đồng và môi trường địa phư­ơng”

Có thể khái quát, du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Xét về bản chất, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.

Đặc điểm của du lịch cộng đồng như sau:

1) Du lịch cộng đồng đảm bảo văn hoá, thiên nhiên bền vững: Du lịch cân bằng với các tiêu chuẩn kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường; nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hoá được khai thác hợp lý; bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan; bảo tồn được môi trường văn hoá. Du lịch cộng đồng là cách tốt nhất vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, sử dụng dịch vụ tại chỗ, phát triển văn hoá, tôn trọng văn hoá địa phương, du lịch cộng đồng thúc đẩy nghề nghiệp truyền thống phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá; cần có người dân địa phương tham gia để dân có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hoá, vệ sinh cộng đồng.

2) Du lịch cộng đồng cần có sở hữu cộng đồng: Cộng đồng là chủ thể quản lý di sản dân tộc, có phong cách và lối sống riêng cần được tôn trọng; cộng đồng có quyền sở hữu các tài nguyên và do vậy có quyền tham gia vào các hoạt động du lịch.

3) Thu nhập từ du lịch cộng đồng cần giữ lại cho cộng đồng: Lợi nhuận thu được từ du lịch được chia sẻ công bằng cho cộng đồng để bảo vệ môi trường; cộng đồng thu lợi nhuận và lợi ích kinh tế trực tiếp để tái đầu tư cho địa phương ngoài hỗ trợ của Chính phủ.

4) Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái; nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hoá cộng đồng, chống các trào lưu du nhập.

5) Du lịch cộng đồng cần tăng cường quyền lực cho cộng đồng: Du lịch cộng đồng là do cộng đồng tổ chức quản lý; du lịch cộng đồng là thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia nhiệt tình vào phát triển du lịch; cộng đồng dân cư được trao quyền làm chủ, thực hiện các dịch vụ và quản lý phát triển du lịch.

6) Du lịch cộng đồng cần tăng cường hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước: Hỗ trợ kinh nghiệm và vốn đầu tư; hỗ trợ về cơ sở vật chất và ưu tiên về các chính sách cho cộng đồng trong việc phát triển du lịch và phát triển cộng đồng.

Hiện nay có nhiều tên gọi khác nhau có liên quan đến du lịch cộng đồng nh­ư: Du lịch dựa vào cộng đồng (Community-Based Tourism); Phát triển cộng đồng dựa vào du lịch (Community-Development in Tourism); Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (Community-Based Ecotourism); Du lịch có sự tham gia của cộng đồng (Community-Participation in Tourism); Du lịch núi dựa vào cộng đồng (Community-Based Mountain Tourism). Tuy tên gọi khác nhau nh­ưng có một số vấn đề cơ bản giống hoặc tư­ơng đồng về phương pháp tổ chức, địa điểm, mục tiêu vị trí tổ chức phát triển du lịch và cộng đồng.

1.2. Tác động của du lịch lên cộng đồng

1.2.1. Tác động theo hướng tích cực

Trong sự phát triển, văn hoá xã hội của các vùng, miền, các dân tộc, các khu vực có sự giao lưu, thâm nhập, giao thoa với nhau. Bên cạnh sự giao lưu ngày càng tăng giữa các nền văn hoá thế giới nhờ vào sự phát triển của giao thông, thông tin liên lạc, ngoại giao và thương mại, thì hoạt động du lịch thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hoá một cách trực tiếp nhất và nhanh nhất. Như vậy, du lịch là một hoạt động văn hoá mang tính tổng hợp và xã hội hoá cao. Mọi hoạt động của nó đều theo đuổi hoặc chứa đựng một loại hình, một hình thức văn hoá nào đó. Dù ý thức, hoặc vô thức từ phía người làm du lịch, từ phía cộng đồng, văn hoá đều phải xuyên suốt các mặt hoạt động của du lịch. Các nhu cầu du lịch chủ yếu bao gồm đi lại, ăn uống, lưu trú, mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí đều chứa đựng đặc trưng văn hoá. Trong ăn uống, lưu trú, đi lại, mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt bình thường mà còn là sự khám phá, thưởng thức, trải nghiệm; tham quan và vui chơi giải trí là nhu cầu đặc trưng của chuyến đi du lịch càng thể hiện rõ nét hơn tính văn hoá. Tất cả các dịch vụ và hàng hoá du lịch (trong đó đặc biệt là hàng lưu niệm) đáp ứng được các nhu cầu này có giá trị đối với khách du lịch ở chỗ nó thoả mãn được các nhu cầu tìm đến cái mới, cái khác biệt của nơi du lịch so với nơi ở thường ngày của du khách.

Ai cũng biết rằng, du lịch tuy phải lấy kinh tế làm cơ sở; sự phát triển kinh tế tạo nên cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động du lịch và bản thân du lịch cũng bao hàm nội dung hoạt động kinh tế, nhưng nhìn tổng thể và xét cho đến cùng thì du lịch là một hoạt động văn hoá. Tính văn hoá của du lịch, hay nói gọn là văn hoá du lịch, không phải là phép cộng đơn thuần giữa văn hoá với du lịch mà là hình thái văn hoá trong lĩnh vực du lịch, có nội dung xác định. Văn hoá du lịch là do hoạt động du lịch, một hình thức hoạt động văn hoá xã hội đặc thù, sinh ra hoặc liên quan mật thiết với nó; văn hoá du lịch sẽ phát triển cùng với sự phát triển của du lịch. Văn hoá du lịch là một thuật ngữ đa nghĩa và sẽ được hiểu rất khác nhau nếu xem xét từ nhiều khía cạnh. Ở chừng mực nào đó có thể hiểu văn hoá du lịch là tổng hoà của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần do loài người tạo nên; là văn minh tinh thần và văn minh vật chất liên quan mật thiết đến hoạt động du lịch của nhân loại.

Văn hoá du lịch được hình thành do sự tác động lẫn nhau giữa các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm tài nguyên du lịch, khách du lịch, dân cư nơi khách đến, chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, khách du lịch là trung tâm tạo ra sự tác động, tài nguyên du lịch là đối tượng với sức thu hút du lịch ban đầu và các thành phần còn lại tạo ra điều kiện đủ để phát triển du lịch và có văn hoá du lịch.

Trong thời gian đi du lịch, khách thường sử dụng các dịch vụ, hàng hoá và thường tiếp xúc với dân cư địa phương. Thông qua giao tiếp đó, văn hoá của cả khách du lịch và của cộng đồng dân cư nơi khách đến được trau dồi và nâng cao. Du lịch tạo khả năng cho con người mở mang, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hoá, phong tục tập quán, đạo đức, chế độ xã hội,... làm giàu thêm khả năng thẩm mỹ, tôi luyện tình cảm, thoải mái tinh thần khi được tham quan kho tàng văn hoá mỹ thuật của một đất nước, một vùng, một địa phương, một cộng đồng. Trong quá trình du lịch, con người không ngừng quan sát, thẩm nhận, hấp thụ quan điểm, lối sống.

Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và  nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua chuyến đi du lịch mà con người được làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử, văn hoá dân tộc, qua đó càng thêm yêu đất nước mình; cộng đồng dân cư địa phương cũng thấy được sự hấp dẫn của văn hoá bản địa, nhận thức ngày một sâu sắc việc bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể địa phương mình, góp phần khai thác, bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và xã hội. Du lịch quốc tế có vai trò quan trọng trong giáo dục tinh thần quốc tế, làm cho mọi người thấy cần thiết phải phát triển và củng cố các mối quan hệ quốc tế, làm cho các dân tộc gần gũi nhau hơn, góp phần bình thường hoá quan hệ, giữ gìn, củng cố hoà bình và tăng thêm tình hữu nghị giữa các dân tộc, tăng cường sự hợp tác, hội nhập trên mọi lĩnh vực vì lợi ích phát triển chung.

Ngoài góc nhìn từ phía tiêu dùng du lịch, giao lưu văn hoá trong du lịch cũng được hình thành và thúc đẩy thông qua “sản xuất” du lịch, tức là tạo ra cung du lịch trên thị trường. Sự  khai thác tài nguyên du lịch, việc xây dựng các công trình du lịch đã phản ánh trí tuệ và sức sáng tạo của loài người. Trong quá trình toàn cầu hoá, một mặt phải giữ gìn bản sắc trong hoạt động du lịch để có cái riêng của mình, ngành Du lịch ở tất cả nước, các vùng, các địa phương, các cộng đồng đều phải tiếp thụ có chọn lọc kinh nghiệm phát triển du lịch và tinh hoa văn hoá thế giới, của  trong hoạt động du lịch, từ  xây dựng đến vận hành các cơ sở kinh doanh du lịch đều có sự đan xen, khu vực hóa và toàn cầu hoá cái đẹp, cái hay của các nền văn minh thế giới. 

Du lịch hiện nay trở thành hiện tượng phổ biến đã tạo ra dòng người “dịch chuyển” trên thế giới mỗi ngày khoảng 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế (nếu tính cả khách du lịch nội địa thì con số là sẽ tăng lên 10 lần). Chính dòng khách du lịch ấy đã thúc đẩy sự lưu chuyển của thông tin, tri thức, khoa học, công nghệ, vốn liếng về du lịch và liên quan với du lịch, cũng như của các lĩnh vực khác, tạo ra sự đổi mới về cách nhìn, đổi mới quan niệm về nhiều mặt, kể cả quan niệm về văn hoá. Đến lượt mình, dòng lưu chuyển này tác động trực tiếp đến giao lưu kinh tế, rõ nhất là trong kinh tế đối ngoại, để tạo cơ sở vật chất và điều kiện cho giao lưu văn hoá. Sự giao lưu thông qua du lịch có một ý nghĩa tích cực đối với giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa các quốc gia, thậm chí có trường hợp còn tiện lợi và hiệu quả hơn so với giao lưu theo con đường chính thức.

1.2.2. Tác động theo hướng tiêu cực

Ảnh hưởng tiêu cực cần nói đến trước tiên là tác động của nó đến môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tức là gây ra ô nhiễm  môi trường, thể hiện rõ nhất là ở những nơi khách đến. Dòng khách du lịch tăng lên nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến thương mại hoá, tầm thường hoá văn hoá bản địa và văn hoá dân tộc để kiếm tiền được nhanh, rõ nhất trong việc tổ chức lễ hội bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu; sự phỏng cổ tuỳ tiện trong kiến trúc, trong biểu diễn, trong tôn tạo duy tu bảo dưỡng các di tích không theo nguyên bản. Sự thương mại hoá, tầm thường hoá văn hoá chỉ có thể mua vui cho khách trong chốc lát, nhưng lại gây ra sự thương tổn nghiêm trọng lòng tự tôn dân tộc đối với nền văn hoá của mình, sớm hay muộn sẽ dẫn đến suy giảm lòng mến khách và sự phát triển bền vững của du lịch. Các vấn đề khác cũng rất cần quan tâm là sự lai căng văn hoá, sự bắt chước lối sống của du khách muôn phương, sự  sa sút quan niệm đạo đức truyền thống dẫn đến băng hoại đạo đức...

Phát triển du lịch không được quản lý tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường tự nhiên do khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, dẫm đạp lên cây cỏ, bẻ hái thực vật quý hiếm, ăn và mua động vật quý hiếm, xả rác và nước thải, gây tiếng ồn, sử dụng quá mức nước sạch, không khí sạch, làm biến động hệ sinh thái, nhất là giảm thiểu tính đa dạng sinh thái khi du lịch phát triển, số lượng du khách tăng lên quá tải… 

Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhìn thấy mặt tích cực của du lịch trong việc hình thành, phát triển và thúc đẩy giao lưu văn hoá, mà coi nhẹ mặt tiêu cực phát sinh đi liền với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, cần phải khẳng định ở đây là những mặt tiêu cực này không phải là bản chất vốn có của du lịch, không phải cứ phát triển du lịch là sẽ gây ra những ô nhiễm môi trường, những tiêu cực nêu trên, mà do sự quản lý kém hiệu quả sẽ dẫn tới hậu quả du lịch là mảnh đất thuận lợi để cho các mặt tiêu cực hình thành và phát triển. Không vì ảnh hưởng tiêu cực đi liền với du lịch mà hạn chế sự nghiệp phát triển du lịch. Mấu chốt của vấn đề là làm sao nhìn rõ các ảnh hưởng tiêu cực để kiểm soát, giảm thiểu nó.

1.3. Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

Phát triển du lịch cộng đồng với mục tiêu xóa đói giảm nghèo dứt khoát phải theo hướng bền vững. Phát triển bền vững suy cho cùng là sự phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ mai sau. Trên thực tế, điều này đang trở nên cấp thiết và thường được nói tới khi muốn nhấn mạnh đến việc sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên  du lịch. Trong du lịch cộng đồng sự lựa chọn bắt buộc là phải sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Quá trình phát triển du lịch cộng đồng phải được định hướng và quản lý theo một phương châm: Kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia  tiêu dùng du lịch, nhằm đạt tới một mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc và hồn cốt linh thiêng của truyền thống.

Điều cốt lõi của bền vững là sự cân bằng: Cân bằng giữa cung và cầu cả trong hiện tại và tương lai, thể hiện nổi bật là yếu tố sức chứa; cân bằng giữa số lượng và chất lượng của sự phát triển; cân bằng giữa thu hút khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa trong những giai đoạn nhất định; cân bằng giữa khai thác và bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên du lịch lễ hội; cân bằng giữa yêu cầu phát triển và khả năng quản lý, trong đó số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tổ chức lễ hội và hoạt động du lịch đóng vai trò then chốt; cân bằng hoạt động du lịch về mặt thời gian và không gian; cân bằng giữa chi phí và lợi ích... Những vấn đề này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được vì thường bị sức ép của lợi ích trước mắt. Đây là những nguyên tắc khi phát triển du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo phải tuân thủ nghiêm ngặt.